Ung thư là gì?
Ung thư (Cancer) là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ánh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu. Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư. Những thuật ngữ khác của ung thư là khối u ác tính hoặc tăng sinh ác tính (malignant neoplasm). Ung thư không chỉ là một bệnh mà là nhiều bệnh. Có hơn 100 loại ung thư khác nhau.
Nguyên nhân ung thư
Ung thư xuất phát từ một tế bào đơn lẻ, đơn vị cơ bản của sự sống. Sự chuyển dạng từ một tế bào bình thường thành một tế bào ung thư là một quá trình nhiều giai đoạn, từ một tổn thương tiền ung thư đến khối u ác tính. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền của một người và ba loại tác nhân bên ngoài, bao gồm:
- Các tác nhân vật lý, như tia cực tím (UV) và bức xạ ion hóa;
- Các tác nhân hóa học như: a-mi-ăng (asbestos), formaldehyde, toluene (trong chất sơn móng tay chân), các thành phần của khói thuốc lá, aflatoxin (một chất nhiễm bẩn thức ăn), và arsenic (một chất nhiễm bẩn nước uống);
- Các tác nhân sinh học như: nhiễm trùng một số virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh ung thư ảnh hưởng đến mọi người bất kể quốc gia, chủng tộc hay tôn giáo.

Bảng số liệu thống kê số lượng ca tử vong theo các loại bệnh Ung thư tại châu Âu năm 2015, cho thấy ung thư Phổi chiếm 22% tổng số ca tử vong (cứ 100 ca tử vong do ung thư thì 22 ca tử vong là do bệnh ung thư phổi), nguyên nhân chính là do hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường không khí do bụi bặm, khí thải từ các khu công nghiệp, xe cô gây ra.
Đứng thứ 2 là các ca tử vong là ung thư tuyến tiền liệt chiếm 13% số ca tử vong, chủ yếu gặp ở đàn ông có độ tuổi từ 45 trở lên, do sức khỏe và sức đề kháng yếu, rối loạn hormone sinh dục nam. Ung thư tuyến tiền liệt không rõ nguyên nhân, tuy nhiên người bệnh thường hay gặp phải vấn đề về gây đau đớn và khó khăn trong việc đi tiểu, quan hệ tình dục gặp vấn đề, hoặc rối loạn chức năng cương dương.
Ung thư ruột và dạ dày chiếm 6% nguyên nhân chủ yếu các ca tử vong ở đối tượng này là do bị nhiễm vi khuẩn Hp gây viễm nhiễm dạ dày mãn tính, do gien di truyền, hay do thói quen ăn uống nhiều chất béo, và chất lượng sản phẩm ngày giảm, còn tồn đọng nhiều hóa chất bảo quản sau thu hoạch. Do sinh hoạt không hợp lý: quá căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên trong công việc cuộc sống, thường xuyên thức đêm cũng là một trong những yếu tố gián tiếp gây nên bệnh ung thư dạ dày. Sử dụng một số chất gây hại cho dạ dày: như cồn có trong rượu bia, thuốc lá… Các chất làm tiêu lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày, chất cồn khi tiếp xúc thường xuyên với niêm mạc dạ dày cũng có xu hướng là biến đổi các tế bào này và có thể dẫn tới Ung thư dạ dày.
Đứng thứ tư là ung thư vú với 9%, ung thư vú nguyên nhân chính là do tuổi tác (ngoài 40 tuổi thì tỉ lệ ung thư vú ở phụ nữ tăng gấp nhiều lần so với độ tuổi dưới 40), sức đề kháng giảm sút, ăn nhiều chất béo, ít vận động, phải làm việc thường xuyên qua đêm và do sử dụng nhiều rượu bia và chất kích thích.
Bên cạnh đó là ung thư thận, gan, tuyến tiền liệt tổng cộng chiếm 27%, nguyên nhân chính của các loại ung thư này là do liên quan trực tiếp đến bệnh mãn tính của tiểu đường, huyết áp, sỏi thận, hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo, uống nhiều rượu bia, nhiễm tia phóng xạ, nhiễm virut, độc tố…Còn lại 24% là các loại ung thư như: ung thư máu, ung thư họng, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tụy…(Bảng 1)

Người Việt tại Châu Âu thường hay mắc phải những loại Ung thư liên quan đến tuyến phổi, gan, thận và vú. Ở người Việt chúng ta, việc phải làm ngoài trời với nhiệt độ thấp dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp, dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản, nếu để lâu ngày gây suy chức năng phổi và dẫn đến ung thư phổi. Bên cạnh đó, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, ở người Việt, tỉ lệ Nam giới sử dụng thuốc lá và rượu bia rất cao, đây là thói quen sử dụng chất kích thích và gây tổn hại đến phổi. Đối với Ung thư gan thì nhiễm vi rút viêm gan B,C, uống rượu bia nhiều và thực phẩm bị nhiễm nấm Aspergillus flavus sinh ra Aflatoxin là nguyên nhân chính gây xơ gan và ung thư gan ở người Việt tại châu Âu. Trong đó, viêm gan B dễ lây nhiễm qua đường tình dục, truyền máu và từ mẹ sang con.
Bên cạnh Ung thư gan thì Ung thư Thận là bệnh thường gặp với các triệu chứng như đi tiểu ra máu, mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, sốt cao và ra nhiều mồ hôi, đau dai dẳng ở bụng.
Ngoài các yếu tố đã nói ở phần trên thì đối với công việc của người Việt Nam ở châu Âu liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp như Nail, sử dụng các loại sơn móng tay, chân có chứa rất nhiều loại hóa chất như formaldehyde, toluene dễ gây thay đổi nội tiết tố của phụ nữ, ảnh hưởng đến chức năng thận và gan.
Bên cạnh đó, nhịn tiểu, ăn uống thất thường, uống ít nước cũng làm giảm chức năng thận và dễ gây sỏi thận, về lâu dài dễ dẫn đến ung thư Thận. Ở phụ nữ sau độ tuổi 40, ở độ tuổi này, sức khỏe giảm sút, chức năng sinh lý rối loạn, rất dễ gây thay đổi nội tiết tố và tiền mãn kinh, bị stress là nguyên nhân chính gây bệnh Ung thư Vú. Ngoài ra, những người thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu, và phóng xạ ion hóa cần nên kiểm tra định kì những chỉ tiêu về hàm lượng estradiol trong máu, các chỉ số sinh thiết cần thiết cho việc xác định và phòng ngừa ung thư vú.

Các chỉ số cần kiểm tra để xác định Ung thư
Các xét nghiệm máu để phát hiện ung thư là xét nghiệm miễn dịch, dựa trên sinh hóa để đo lường sự hiện diện, hoặc nồng độ của các chất chỉ điểm khối u trong máu, nước tiểu, hoặc các mô cơ thể. Mức độ cao của một chất chỉ điểm khối u có thể chỉ ra ung thư.
Kiểm tra các gốc tự do: theo các nhà nghiên cứu, gốc tự do hủy hoại tế bào theo tiền trình sau đây: Trước hết, gốc tự do oxy hóa màng tế bào, gây trở ngại trong việc thải chất bã và tiếp nhận thực phẩm, dưỡng khí; rồi gốc tự do tấn công các ty thể, khiến tế bào không thể sản sinh được năng lượng. Sau cùng, bằng cách oxy hóa, gốc tự do tấn công vào DNA ở nhân tế bào, gây thay đổi cấu trúc DNA, dẫn đến đột biến tế bào- bước khởi đầu của tiến trình ung thư.
Alpha fetoprotein (AFP): u tế bào mầm, ung thư biểu mô tế bào gan, nhất là viêm gan siêu vi B và C hoặc người có khối u gan chưa biết rõ lành hay ác.
Kháng nguyên CEA: ung thư đại trực tràng, ung thư vú, phổi, dạ dày, tụy, bàng quang, thận, tuyến giáp, đầu và cổ, cổ tử cung, buồng trứng, gan, u lympho, u ác tính.
CA15-3 và CA27-29: ung thư vú.
CA19-9: Chủ yếu là ung thư tuyến tụy, nhưng cũng có thể giúp phát hiện ung thư đại trực tràng và các loại ung thư đường tiêu hóa khác.
CA-125: Chủ yếu là ung thư buồng trứng , nhưng cũng có thể tăng lên trong trường hợp thư nội mạc tử cung, ung thư ống dẫn trứng, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư đường tiêu hóa.
Kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA): phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên không nên xét nghiệm PSA cho tất cả đàn ông với mục đích tầm soát vì chỉ có khoảng 20-30% bệnh nhân có PSA cao là có ung thư thật sự, số còn lại PSA cao do các bệnh khác lành tính như viêm, tăng sinh…
Ngoài các chỉ số trên thì còn khoảng hơn 25 loại dấu ấn khác, tuy nhiên không phải loại dấu ấn nào cũng được sử dụng trong việc chẩn đoán ung thư, chỉ có 3 dấu ấn tạm được dùng để giúp phát hiện sớm ung thư là PSA, AFP và CA-125 (Mặc dù việc này vẫn còn nhiều tranh cãi).

Các xét nghiệm dấu hiệu Ung thư
Cũng như với các xét nghiệm chẩn đoán khác, xét nghiệm miễn dịch tìm dấu hiệu ung thư có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố dẫn đến kết quả không chính xác.
Kết quả xét nghiệm âm tính giả: Nghĩa là những người bị ung thư, ung thư tái phát hay tiến triển nhưng xét nghiệm các dấu hiệu này không tăng.
Kết quả xét nghiệm dương tính giả: tức là người không bị ung thư, nhưng các chỉ số này lại tăng. Ví dụ PSA là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt, cũng có thể tăng cao ở người bị viêm tuyến tiền liệt hoặc tăng sinh lành tính của tuyến tiền liệt. Hoặc AFP cũng có ở những bệnh nhân bị viêm gan chứ chưa bị ung thư…
Vì vậy, xét nghiệm dấu hiệu ung thư không thể dùng đơn độc để chẩn đoán, xác định bệnh mà phải phối hợp với các chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, sinh thiết.
Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, vv… có thể cho thấy hình ảnh chi tiết bên trong các cơ quan trong cơ thể, hình ảnh khối u, kích thước khối u, và vị trí di căn.
Thăm dò chức năng: Nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, trực tràng, vv… cho phép bác sĩ phát hiện các bất thường, ung thư trong cơ thể. Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện bất thường nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể làm thủ tục sinh thiết đồng thời. Nội soi đóng một vai trò to lớn trong chẩn đoán các ung thư: đầu; mặt; cổ; ung thư đường tiêu hóa: thực quản, dạ dày, đại trực tràng và ung thư phổi – phế quản.
Chẩn đoán y học hạt nhân: phương pháp này bao gồm: ghi hình phóng xạ, chụp xạ hình, phương pháp chụp xạ hình cắt lớp điện toán nhằm chẩn đoán ung thư, xác định giai đoạn bệnh, đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Các xét nghiệm khác: xét nghiệm sinh hóa (PAP, HPV : phát hiện bất thường ở cổ tử cung), xét nghiệm nước tiểu, tìm máu trong phân…
Sinh thiết: sau khi một loạt các xét nghiệm, chẩn đoán và đã xác định được khối u, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện sinh thiết để kết luận về ung thư. Sinh thiết là một thủ tục trong đó các bác sĩ loại bỏ một mẫu mô sau đó quan sát dưới kính hiển vi. Đây là TIÊU CHUẨN VÀNG để chẩn đoán ung thư.
Các xét nghiệm dấu ấn ung thư khá hữu ích trong đánh giá tình trạng nặng, nhẹ cũng như dự đoán diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị. Ví dụ bệnh nhân ung thư vú đã được điều trị, đang theo dõi, nếu kết quả xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 15-3 tăng cao có nghĩa là bệnh đang diễn tiến nặng hoặc tái phát.
Xét nghiệm cũng giúp đánh giá được hiệu quả của việc điều trị ung thư, đây là ứng dụng quan trọng nhất của các xét nghiệm dấu ấn ung thư, đặc biệt là ung thư giai đoạn trễ.
Khi nào cần làm các xét nghiệm dấu hiệu ung thư
Nên làm trong những trường hợp sau:
- Ở những người mà người thân ruột thịt bị loại ung thư có tính di truyền.
- Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư như hút thuốc lá nhiều và lâu năm…
- Những người mắc viêm gan siêu vi B hoặc C, có nguy cơ cao bị ung thư gan, nên xét nghiệm định kỳ định lượng AFP phối hợp với xét nghiệm hình ảnh học như siêu âm, chụp CT gan.
- Người có xét nghiệm khác hoặc triệu chứng lâm sàng nghi ung thư.
- Những người đã mắc bệnh ung thư – đang điều trị hoặc đã điều trị khỏi thì trong quá trình theo dõi bệnh cũng cần xét nghiệm định lượng dấu ấn ung thư tương ứng với loại ung thư người đó đã mắc.
Ví dụ một phụ nữ đã điều trị ung thư vú xong và đã khỏi thì trong quá trình theo dõi nên xét nghiệm định kỳ CA 15-3.
Như vậy đối với bệnh nhân đã bị ung thư hoặc nghi ngờ mắc một loại ung thư nào đó thì chỉ cần xét nghiệm loại dấu hiệu ung thư tương ứng. Điều quan trọng nhất là khi đã xét nghiệm định lượng dấu ấn ung thư rồi, chính bác sĩ đề nghị làm xét nghiệm đó hoặc bác sĩ điều trị trực tiếp của người bệnh sẽ phải phối hợp kết quả này với khám lâm sàng và kết quả của những xét nghiệm khác để có chẩn đoán và xử trí thích hợp.
Cũng lưu ý là cho đến nay người ta chưa tìm được dấu hiệu ung thư đặc hiệu để có thể làm xét nghiệm máu truy tầm, như ung thư phổi, ung thư bàng quang, ung thư hệ thần kinh, ung thư xương…
Tài liệu tham khảo:
[1] Cancer – Signs and symptoms”. NHS Choices.
[2] “Defining Cancer”. National Cancer Institute.
[3] WHO http://apps.who.int/healthinfo/statistics/mortality/whodpms/.
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ung_th%C6%B0_th%E1%BA%ADn.
[5] https://vicare.vn/bai-viet/cac-chi-so-xet-nghiem-mau-phat-hien-ung-thu/.
===============
Ban biên tập RIAVITA