Bảo vệ da luôn là vấn đề được mọi người lưu tâm, đặt biệt là mùa hè. Kem chống nắng có chỉ số SPF cao chưa chắc đã phù hợp với làn da của người sử dụng. Thậm chí, khi sử dụng loại có chỉ số SPF cao lại lưu trên da lâu hơn, dễ gây bít lỗ chân lông và làm da bị tổn thương, từ đó nhanh chóng xuất hiện các dấu hiệu lão hóa da…
Table of Contents
Tại sao chúng ta nên bôi kem chống nắng?
Lý do sử dụng kem chống nắng là vì trong ánh sáng mặt trời có 2 loại tia tử ngoại UV (UVA và UVB) gây hại cho da; và đó lại là 80% nguyên nhân gây lão hoá cho da.
- Tia UVA: bước sóng dài (từ 320nm đến 400nm) chiếm 90%-95% tổng tia UV tác động vào trái đất. Chúng không bị hấp thụ bởi tầng ozon, và xuyên qua mây, kính, qua vải gây tổn hại lớn nhất cho da. UVA là thủ phạm gây đứt gãy sợi collagen làm da trùng nhão có nếp nhăn và nám. Nó có mặt từ sáng sớm đến chiều tối; vì không gây rát bỏng nên nhiều người nhầm tưởng nó vô hại, thực tế lại là sát thủ thầm lặng.
- Tia UVB: bước sóng ngắn (290nm đến 320nm), bị phản xạ 1 phần bởi ozon, mây; tuy nguy hiểm hơn nhưng lại ít tiếp xúc với da hơn, nếu chúng ta không phơi nắng từ 10h sáng đến 16h chiều. Nó gây rát bỏng, cháy và ung thư da. Lưu ý là nó phản chiếu từ nước, cát, tuyết; vì vậy đi biển dù trời không nắng vẫn bị.
Nghịch lý: tắm nắng để cơ thể tổng hợp vitamin D thì cần tia UVB, vì vậy tắm sáng hay chiều muộn thì chỉ có UVA hại cho da mà không có tác dụng nhiều.
Tránh nắng, che nắng: khăn, khẩu trang mũ, kính râm (99-100% thu được các tia UVA và UVB) vẫn chưa đủ, vì vậy phải cần đến kem chống nắng.
Theo nghiên cứu, những người sử dụng kem chống nắng hàng ngày hạn chế được 24% khả năng lão hóa sớm và giảm được 50% khả năng ung thư da so với những người không dùng.

Phân loại kem chống nắng
- Kem chống nắng vật lý: phản xạ tia UV (Sunblock), dùng TiO2, ZnO
Lợi thế: là không có hại, ít gây mẫn cảm, bôi xong ra nắng được ngay, không cần bôi nhiều lần trong ngày
Khiếm khuyết: tạo vệt trắng, dễ bít lỗ chân lông, dễ bị trôi khi xuống nước
- Kem chống nắng hoá học: phản ứng hoá học để làm mất tác dụng hại của tia UV (Sunscreen). Thành phần avobenzone, oxybenzone, sulisobenzone\
Lợi thế: hút nhanh không tạo vết, chống nước, có thể kết hợp make up
Khiếm khuyết: dễ gây kích ứng da, bôi xong phải chờ 20 phút mới được ra nắng, sau 2-3 tiếng phải bôi lại một lần.
Tuỳ loại da, địa điểm và tuổi tác mà nên dùng loại kem phù hợp. Với trẻ con nên dùng loại vật lý. Đi dã ngoại, bơi lội nên dùng loại kem hoá học. Trong văn phòng thì dùng kem vật lý, trang điểm thêm thì kem hoá học…
Các thông số quan trọng trên sản phẩm kem chống nắng
- SPF (Sun Protection Factor): Đây là chỉ số thể hiện khả năng chống nắng, bảo vệ làn da chống lại tia UVB (loại tia gây ra cháy nắng và ung thư da) trong thời gian nhất định. Thấp nhất 15, cao nhất là 100: con số này có nghĩa sản phẩm đó không ngăn được tác hại UV bao nhiêu %, tính theo công thức: 1/SPF.
Nghĩa là nếu chỉ số SPF là 30 thì 1/30, tức là 3.3% không được bảo vệ, 96.70 khả năng bảo vệ.
SPF = 50: 1/50, nghĩa là 2% không ngăn được, 98% được bảo vệ.
Cũng có thể hiểu số phút bảo vệ bằng cách nhân 10, ví dụ 30 nhân 10 là 300 phút bảo vệ
- Về việc chống tia UVA, ở châu Âu dùng UVA-PF (UVA Protection Factor), hay PPD (Persistent Pigment Darkening), ví dụ số 30 nghĩa là 30 lần giúp bảo vệ khỏi UVA tốt hơn trường hợp không được bôi.
- Còn ở châu Á dùng chỉ số PA(Protection grade of UVA) để chỉ khả năng chống tia UVA người ta dùng PA. Thông thường trên bao bì kem chống nắng chỉ số PA được thể hiện kém theo các dấu “+”, được hiểu như sau:
PA+: có khả năng chống tia UVA ở mức 40 – 50%, được từ 2-4 giờ. PA++: chống UVA tương đối tốt, ở mức 60 – 70%, được 4-8 giờ. PA+++: chống tia UVA tốt, lên đến 90%, được 8-12 giờ. PA++++: chống tia UVA rất tốt, lên đến hơn 95%, được hơn 16 giờ
Chuyển đổi thông số giữa PA và PPD
PA+: PPD 2–4 PA++: PPD 4–8 PA+++: PPD 8–16 PA++++: PPD 16
Nếu chúng ta không thấy các thông số trên cũng đừng lo lắng vì sẽ có lọ ghi: Broad-Spectrum: kem chống nắng phổ rộng, bảo vệ cả UVA, UVB.
Một số nơi như Anh và các nước châu Âu có thể dùng hệ Boots Star Rating;
có nghĩa là sẽ lọc được bao nhiêu %UVA so với UVB
* = 20–40% ** = 40–60% *** = 60–80% **** = 80–90% ***** = 90%+
Nên chọn loại nào?
Việc sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao chưa chắc đã phù hợp với làn da của người sử dụng. Các loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao thường tập trung vào việc chống tia UVB hơn là tia UVA.
Thời gian chống nắng của kem chống nắng có chỉ số SPF trên 60 cũng không hơn loại SPF 50. Nhưng khi sử dụng loại có chỉ số SPF cao lại lưu trên da lâu hơn, dễ gây bít lỗ chân lông và làm da bị tổn thương, từ đó nhanh chóng xuất hiện các dấu hiệu lão hóa da.
Vì vậy chúng ta nên sử dụng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến SPF 60 và PA++++
Với các chỉ số SPF rất cao từ 60-100: chỉ nên sử dụng ở những vùng da đặc biệt cần tránh nắng như da đang điều trị nám hay bị dị ứng với ánh nắng.
Với ai bị kích ứng da chỉ nên dùng dưới 30.
Lưu ý khi dùng kem chống nắng
- Nên sử dụng kem cho mặt riêng và người riêng, không nên dùng kem người cho mặt vì thường dày hơn và thành phần dễ gây mẫn cảm cho da mặt
- Nên bôi các ngày trong tuần kể cả làm việc trong nhà
- Nếu hoạt động ngoài trời nên 2-3 tiếng bôi lại 1 lần
- Nếu tắm biến thì ra khỏi nước là phải bôi kem lại toàn thân
- Make up vẫn dùng được kem chống nắng là lớp sau dưỡng ẩm và trước kem nền
- Đeo khẩu trang, đeo găng tay vẫn dùng kem chống nắng
- Kem chống nắng cho da mặt không dùng mùa này cho mùa sau, bỏ đi sau khi mở nắp quá 6 tháng
Ts. Phạm Trường Sơn